Hoa ban

Saturday, March 25, 2006

Hoa ban trắng

Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung...

Một cành hoa ban cuối mùa... tất cả đều là ban tím, chỉ có vài cây màu trắng.

From Điệp Luyến Hoa

http://www.dalatrose.com/forum/topic.asp?TOPIC_ID=249

Hội hoa ban ở Sơn La


Mùa xuân về, cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông trở nên ngọt ngào hơn. Ánh mặt trời trải toả lên những vùng đồi núi trùng điệp và đám mây từ từ tan loãng. Đó là khi những bông hoa ban nõn nà đua nhau nở trên nền thảm xanh tươi của núi đồi Tây Bắc.

Hoa ban bắt đầu nở từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 Dương lịch. Vào mùa hoa nở rộ thì trên cây không còn chiếc lá nào mà chỉ còn toàn hoa là hoa. Những cánh hoa trắng nõn nà, hương thơm dịu mát, ngọt ngào, đem lại cho mọi người sự phấn khởi, tươi vui của mùa xuân mới. Rừng cây, suối nước bỗng trở nên đẹp hơn. Tiếng chim muông rộn ràng ca hát. Cảnh sắc, con người rực rỡ trong mùa hoa ban.

Đối với người Thái trắng ở Sơn La (và người Thái trắng nói chung) hoa ban là loài hoa của tình yêu - hạnh phúc, của đạo hiếu và lòng biết ơn. Bởi vậy, khi núi rừng đã ngập tràn sắc trắng của hoa ban, mọi người lại cùng nhau bước vào ngày hội chơi núi hái hoa ban.

Cây ban, giống như cây sim rừng, nơi nào đất núi, đất sỏi là nơi đó ban mọc và nở nhiều hoa trắng đẹp. Con trai, con gái vùng Sơn La hẹn gặp nhau vào hội chơi núi hái hoa. Hoa ấy là hoa ban, tiêu biểu cho quê hương vùng Tây Bắc. Hoa ban là hoa của tình yêu, hoa của ước mơ trường thọ và là hoa của những con người trẻ mãi không già... họ ao ước như cánh chim bạn xinh đẹp kia!

… Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường - vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết… Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban - Khum.

Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi
Mỗi mùa bạn lại thêm trẻ ra, không già...
(Tình ca Thái)

Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa theo phong tục Thái trắng. Xưa kia Hội Hoa Ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái, ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ. Hoa ban nở đều khắp cả suối, cả đồi, cả rừng là năm ấy trời không mưa dai quá mà không nắng gắt quá! Và năm đó người ta ít lo lắng về nắng hạn cũng như lũ lụt.

Từ sáng sớm, khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Ăn uống no say, mọi người cùng đổ ra rừng tìm những cánh hoa ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa ban trong trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.

Do yêu hoa, con trai con gái Tây Bắc lặn lội trong những cánh rừng mờ sương ngắm nhìn những bông hoa sáng rực như hạt ngọc, họ hái hoa cài lên tóc, họ còn đem hoa về biếu cho người thân quen nhất để mở tiệc ăn mừng mùa hoa ban nở.

Hội hoa ban được mở đầu bằng đám rước từ nhà tạo mường ra đình với đầy đủ cờ, lọng, trống chiêng… Các chức sắc của mường dẫn đầu đoàn rước, tiếp đó là các cụ già khăn đỏ, áo vàng, quần chàm, mang theo cung nỏ. Cuối cùng là một số thanh niên trong mường ăn mặc sặc sỡ, mang gươm giáo. Tới đình, sau khi thầy mo cáo thần xong sẽ bắt đầu lễ hiến sinh bằng việc mổ thịt một con trâu mộng ở cạnh đình. Các trò vui cùng các tiết mục ca nhạc của thanh niên nam nữ cũng bắt đầu cho đến khuya.

Hôm sau, mường vào hội thì bắn súng hoả mai và cung nỏ với mục tiêu là một quả bưởi lăn trên con dốc. Nếu thí sinh bắn đạt cả ba lần sẽ được thưởng một mâm cỗ đầy do chính tạo mường chuẩn bị. Khẩu súng bắn trúng đích được tạo mường đem cáo thần cùng một con dao mới, chuôi bằng ngà voi bên mâm cỗ. Sau đó, cỗ được hạ xuống, mời người thắng cuộc và tạo mường công bố chính thức trước thần linh và bà con dân bản, trọng trách "tuần mường" từ nay sẽ thuộc về người bắn giỏi.

Ngày thứ ba là của các trò vui: ném còn, ca hát, thổi kèn, thi trâu béo… Đây cũng là đêm cuối cùng nên cũng là đêm vui, lưu luyến nhất của trai gái. Họ vui chơi, truyện trò và dành cho nhau những tình cảm đằm thắm nhất, tặng nhau các vật kỷ niệm: tấm vải thêu, vòng bạc, rượu và cả trầu cau. Sau mỗi hội hoa ban, những tình cảm còn mãi, nên không ít đôi nên vợ nên chồng, và có những cặp, hẹn nhau mùa ban nở sang năm lại tìm về trao lời thương, câu nhớ.

Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như thể biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái họ kể cho nhau nghe một câu chuyện tình trong trắng và thương tâm, thủy chung của chàng Khum và nàng Ban xa xưa. Sau đó họ hát cho nhau nghe bản tình ca:

Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ
Ta yêu nhau khi ban nở trên cành
Ban sẽ héo, mong ban trở lại cành
Ban sẽ rụng, mong ban rụng về gốc
(Tình ca Thái)

Ở đây không có cái say của những cuộc hát đối đáp mà chỉ có nỗi niềm tâm sự, những mơ ước chân thành về hạnh phúc thật bình dị .

Hoa ban nở, hoa ban tàn
Tình ta đẹp như hoa ban
Còn dài lâu thì như hoa nào
Hỡi người ta yêu...
(Tình ca Thái).

Trai gái rủ nhau lên rừng và rủ nhau ra bờ suối hát giao duyên bên những con thuyền đuôi én. Trong ngày hội trên dòng Nậm Na thường diễn ra các cuộc hát giao duyên giữa nam và nữ trên những con thuyền đuôi én thả trên dòng nước. Các cô gái thì cầm ô (dù) ngồi ở mũi thuyền bên cạnh những đóa hoa ban tươi thắm. Còn các chàng trai thì ngồi ở đuôi thuyền vừa đánh đàn tán gẫu vừa thổi sáo.

Tiếng đàn tiếng hát cứ quyện vào nhau, trôi theo dòng nước lững lờ vào cõi mộng. Nếu thuyền tấp vào bến nào, thì chàng trai cô gái sẽ nhảy lên bờ cùng nhập vào dòng người mà đi vào rừng ban, cùng ca hát, nhảy múa đón năm mới tốt lành. Những cánh hoa ban đẹp nhất được chọn riêng, xếp cạnh nhau trên bãi. Thế rồi, tiếng khèn và tiếng trống cất lên như mời gọi. Tất cả cùng nắm tay nhau bước vào điệu xòe cứ mỗi lúc mỗi rộng thêm khi có nhiều người nhập cuộc.

Tiếp theo điệu xòe vòng, các cô gái với dải lụa đỏ thắm trên vai duyên dáng trong điệu xòe khăn, rồi tiếp đến xòe quạt, xòe nón... cuốn hút mọi người.Tan cuộc xòe, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản dự cuộc vui uống rượu cần truyền thống. Hội Hoa Ban cũng là hội cầu mùa cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống thanh bình, no ấm, đồng thời cũng là dịp lễ để trai gái gần gũi, tìm hiểu nhau qua tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa ngày xuân.

Nguồn tin: (Theo TBDL)